Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn cách dùng hàm MAX để thay thế cho hàm IF trong một số trường hợp giúp công thức của bạn được gọn gàng và đơn giản hơn.
DÙNG HÀM MAX THAY CHO HÀM IF TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP – THẺ GIẢM GIÁ
Ví dụ như bạn có một Voucher trị giá 50000đ. Khi thực hiện thanh toán, nhân viên sẽ tính xem bạn cần phải trả thêm bao nhiêu tiền bằng việc sử dụng công thức sau:
Số tiền phải trả = Hóa đơn – Giá trị voucher
Kết quả nhận được thể hiện như hình bên dưới: Trong trường hợp hóa đơn lúc này có giá trị lớn hơn giá trị voucher, bạn cứ thực hiện thanh toán bình thường. Tuy nhiên, khi giá trị hóa đơn nhỏ hơn voucher, lúc này bạn cần phải trả… -10000đ. Ta đều hiểu rằng trong trường hợp này người mua được miễn phí – số tiền phải trả là 0. Tuy vậy, nếu để máy tính vẫn hiển thị mức tiền âm như vậy là không ổn. Vì thế bạn cần thiết lập điều kiện. Với điều kiện, bạn sẽ nghĩ ngay tới hàm IF phải không nào? Công thức của hàm IF sẽ như sau:
=IF(hóa đơn – voucher > 0, hóa đơn – voucher, 0)
Cụ thể trong bài sẽ là:
=IF(B3-B2>0,B3-B2,0)
Kết quả thu được: Tuy vậy, đây chưa phải là cách ngắn nhất. Đối với trường hợp này, sử dụng hàm MAX thay thế sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Bạn hãy chuyển tư duy:
- Nếu hóa đơn – voucher > 0 thì Excel lúc này sẽ hiển thị kết quả của hóa đơn – voucher. Ngược lại hiển thị là 0.
Thành:
- So sánh hóa đơn – voucher với 0 và hiển thị ra số lớn hơn.
Từ đó, hàm MAX của ta sẽ như sau:
=MAX(hóa đơn – voucher,0)
Cụ thể trong bài là:
=MAX(B3-B2,0)
Kết quả có được lúc này là: Kết quả bạn có lúc này hoàn toàn tương tự lại gọn hơn rất nhiều phải không nào?
SỬ DỤNG MAX VÀ MIN THAY THẾ IF LỒNG NHAU – CHUYỆN “XIN” ĐIỂM
Ngoài việc hàm MAX thay thế IF, bạn có thể dùng hàm MIN trong một số trường hợp. Và bạn cũng có thể kết hợp MAX với MIN để tiến hành thay thế IF lồng nhau. Hãy đến với ví dụ cụ thể dưới đây:
Với mục tiêu đạt chỉ tiêu và nâng đỡ học sinh trong học tập, giáo viên A đã đưa ra quy định rằng: Nếu điểm thi của sinh viên trên 6 sẽ giữ nguyên. Còn nếu điểm thi của sinh viên dưới 6 sẽ được cộng thêm 1, tuy vậy không được vượt quá 6. Ví dụ như thí sinh X đạt 4 điểm sẽ được cộng lên thành 5, nhưng nếu thí sinh Y đạt 5.75 thì chỉ được lên thành 6 mà thôi. Đối với trường hợp này, khi bạn làm việc với Excel sẽ phải tiến hành thiết lập điều kiện như sau:
=IF(Điểm sinh viên A > 6, Điểm sinh viên A, IF(Điểm sinh viên A +1 > 6, 6, Điểm sinh viên A +1)
Cụ thể trong bài lúc này sẽ là:
=IF(B4>$B$1,B4,IF(B4+1>$B$1,$B$1,B4+1))
Giờ thì hãy xem bạn có thể làm gọn công thức này hơn với MIN và MAX như thế nào nhé:
Đầu tiên bạn có thể thay cụm IF(Điểm sinh viên A +1 > 6, 6, Điểm sinh viên A +1) thành hàm MIN: =MIN(Điểm sinh viên A+1, 6)
Kết quả trả về lúc này là điểm có giá trị nhỏ hơn.
Tiếp đến bạn sẽ thay thế IF(Điểm sinh viên A > 6, Điểm sinh viên A,…) bằng hàm MAX: =MAX(Điểm sinh viên A, …) với vế sau là kết quả của IF(Điểm sinh viên A +1 > 6, 6, Điểm sinh viên A +1) hay MIN(Điểm sinh viên A+1, 6).
Kết hợp lại, công thức lúc này là:
=MAX(Điểm sinh viên A, MIN(Điểm sinh viên A+1, 6))
Thay vào trong bài thì sẽ là:
=MAX(B4,MIN(B4+1,$B$1))
Kết quả sẽ được như hình dưới: